Giới thiệu các di tích trên địa bàn Thị trấn Kim Bài

10/08/2023 14:42

ĐÌNH THÔN CÁT ĐỘNG

I. TÊN GỌI.

Thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội có một ngôi đình thờ nhị vị thành hoàng là những người có công với dân với nước. Đình vẫn được gọi theo tên thôn từ xưa đến nay là đình Cát Động.

* Đường đi đến di tích: Từ Hà Đông theo quốc lộ 6 đến ngã ba Ba La, rẽ trái theo đường quốc lộ 21b đi Vân Đình, Tế Tiêu qua Bình Đà đến Thị trấn Kim Bài rẽ ngược lên dốc đê Cát Động, đi chừng 2km là đến đình Cát Động bên phải đê. Đoàn đường này tính từ Hà Đông đến di tích khoảng 16km.

* Thời gian xây dựng: Đình Cát Động được xây dựng từ lâu đời, theo một số nhà nghiên cứu trước đây trên nóc đình có ghi niên đại vào thời Lê Cảnh Hưng, đáng tiếc sau đó trong một lần sửa đình đã bị bỏ mất. Hiện tại đình có kết cấu và kiến trúc điển hình của một ngôi đình thời Nguyễn.

II. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ.

Đình thôn Cát Động thờ nhị vị thành hoàng là Trình Lý Đại vương và Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục. Cả hai vị thành hoàng làng đều là những nhân vật có thật, sống vào thời Lê Sơ.

* Vị thành hoàng thứ nhất. Trình Lý đại vương:

Ngài tên thật là Trình Lý là một vị tướng có tài đã giúp Lê Lợi đánh giặc Minh cứu nước. Về  cuối đời Trần, Hồ Quý Ly đứng lên cướp ngôi, sau đó là nhà Minh kéo quân sang xâm lược nước ta. Lê Lợi là người đứng lên tụ nghĩa lập hội thề Lũng Nhai thu hút hiền tài, khởi binh đánh giặc. Trình Lý quê ở Thanh Hóa đã tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và đã tham gia nhiều trận đánh. Trong thời gian đánh trận ông đã để lại tiếng thơm ở nhiều nơi cho nên sau khi mất nhân dân các địa phương đã tâu với triều đình xin được ban sắc phụng thờ. Tương truyền ông còn là người có công khai lập làng Cát Động nên dân làng đã tôn vinh ông làm thành hoàng làng.

* Vị đệ nhị phúc thần: Đông Hải đại vương Nguyễn Phục.

Nguyễn Phục người quê xã Đoàn Tùng, sau đổi là Đoàn Lâm, huyện Trường Tân ( nay là xã Thanh Tùng, huyện Minh Thanh, tỉnh Hưng Yên). Ông đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hòa 12 (1543) đời Lê Nhân Tông. Ông làm quan đến chức Hàn Lâm, kiêm vương phó, là thầy dạy học cho các vương tử. Khi vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh nước Chiêm Thành, ông giữ chức đốc lương. Vì ngược gió, đoàn thuyền lương đến chậm, ông bị xử chảm theo quân luật. Sau vua biết ông bị oan, phong phúc thần hiệu Đông Hải Đại vương.

III. KHẢO TẢ DI TÍCH.

Đình Cát Động nằm ngay gần đê sông Đáy trông về hướng Tây ( ngả về Nam chút ít).

Cổng đình làm theo kiểu trụ biểu và các bậc gạch xuôi xuống sân đình ta bắt gặp bức bình phong. Đây là bức bình phong được xây bằng gạch trát vôi vữa rộng 3m30. Bình phong có đắp nổi hình “Lưỡng long chầu nguyệt”, bên trên là một cuốn thư. Hai bên bình phong là hai trụ biểu có tiết diện vuông, trên đỉnh cột đắp hai cong nghê chầu với tư cách kiểm soát tâm linh khách hành hương, thân trụ có ghi đôi câu đối bằng chữ hán. Phía trước bình phong là một bể cảnh có những hòn giả sơn và một đôi voi đá được tạo hình rất đẹp, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Đại bái là một ngôi nhà ngang gồm 7 gian được làm kiểu tường hồi bít đốc với hai mái chảy lợp ngói. Nhìn chung, toàn bộ nghệ thuật điêu khắc và trang trí ở đình cát Động đều tập trung vào ngôi Đại bái mà tiêu biểu nhất ở hai bộ vì giữa. Ở hai bộ vì này các con rường phía trên trụ được chạm nổi, giả bong kênh hình hổ phù. Đầu các con rường cụt chạm vân xoắn, mây cụm cách điệu hình hoa. Bốn đầu dư phía dưới câu đầu được chạm hình một đầu rồng trên một súc gỗ nguyên. Rồng có mũi hếch, răng nhe, miệng lang, mắt lồi, các bờm tóc bay ngược về phía sau. Bốn bức cốn mê phía dưới là cả một kỳ công của người nghệ nhân xưa, mặt trong của các bức cốn được chạm nổi giả bong kênh theo tích tứ linh. Ở đây, trung tâm là một con rồng lớn đang bay lượng trong mây, xung quanh là các con vật linh khác như rùa, long mã, nghê, phượng. Mặt ngoài của các bức cốn được chạm theo tích tứ quý, mỗi bức đều có đủ bốn loài cây quý (thông, mai cúc, trúc) xen kẽ trong đó còn có các loài động vật khác như hổ, chim. Đặc biệt có bức còn chạm cảnh đền đại nguy nga, tráng lệ trong cảnh sơn thủy hữu tình.

Hậu cung đình Cát Động là một dãy nhà ngang, nằm song song cách Đại bái 1m57. Ở Hậu cung đình do vị trí tôn nghiêm, nơi đặt long ngai, bài vị thờ thành hoàng, ít người được ra vào vì vậy yếu tố trang trí ít được chú ý so với Đại bái. Các vì nóc đều được bào trơn, soi gờ chỉ và thiên về xu hướng vuông bằng gỗ tứ thiết. riêng các kẻ hiên, xà nách và cốn mê ngoài hiên cung lại được chạm trổ công phu, tỉ mỉ theo các đề tài truyền thống: Lá cúc, chữ triện, rồng, tứ linh …

IV. CÁC DI VẬT TRONG DI TÍCH.

02 cỗ long ngai bài vị thờ thành hoàng làng là Trình Lý đại vương và Đông Hải đại vương Nguyễn Phục.

Long ngai cao 142cm, dài 85cm, rộng 74cm.

Bài vị cao 106cm, rộng 37 cm.

01 bát hương gốm Thổ Hà thế kỷ XVII (hậu Lê).

03 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến.

02 con voi được tạc bằng đá xanh.

01 bia đá thời Nguyễn.

Nhiều đồ tế khác như: Mũ, áo, hia, cờ thần, lọ lộc bình….

ĐÌNH THÔN KIM BÀI

I. TÊN GỌI

Trải dài trên đất nước Việt Nam, hầu như làng nào cũng có ngôi đình, ngôi đền, miếu, chùa để phụng thờ các vị thần, thánh, Phật, những người có công đối với đất nước, với nhân dân. Tên gọi của các di tích, số ít gắn với tên của nhân vật mà di tích đó tôn thờ, còn phần đa là gắn với tên địa danh của làng xã. Tên gọi của đình làng thôn Kim Bài, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội cũng vậy. Tên di tích gắn với tên địa danh là đình Kim Bài. Ngoài ra di tích không có tên gọi nào khác.

Đường đi đến di tích: Từ trung tâm thành phố Hà Nội xuôi theo trục đường Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Trãi, Trần Phú đến trung tâm quận Hà Đông, tiếp tục đi thẳng đến ngã ba Ba La, rẽ trái theo đường 21B, qua thị tứ Bình Đà, đi thẳng tới UBND huyện Thanh Oai, rẽ phải qua cầu khoảng 300m là tới thôn Kim Bài. Di tích toạ lạc ở giữa làng.

Niên đại xây dựng: Căn cứ vào kiểu dáng kiến trúc, các cấu kiện và hoa văn trang trí trên cấu kiện gỗ bộ khung Đồng thời qua hàng chữ Hán khắc trên câu đầu bên hữu gian giữa tòa Đại bái: “ Tự Đức vạn niên tam thập tam”, bước đầu tạm nhận định ngôi đình là sản phẩm của thế kỷ XIX.

II. SỰ KIỆN NHÂN VẬT LỊCH SỬ.

Từ nhũng ngày đầu khởi dựng, đình ở các làng xã có chức năng như là trung tâm chính trị để bàn các công việc quan trọng của làng. Sau này đình có chức năng chính là nơi thờ tự, tri ân công trạng các vị thành hoành làng có công lao với nhân dân. Trải qua các triều đại phong kiến, công trạng của các vị thần đều được ghi trong điển tích, phong tặng mỹ tự và ban cho các làng xã phụng thờ. Trong quá trình điền dã, chúng tôi căn cứ vào nguồn tư liệu là hệ thống sắc phong hiện còn lưu giữ tại di tích thì đình Kim Bài thờ ngũ vị đại vương, trong đó tiêu biểu là vị thần có tên Đông Hải đại vương Nguyễn Phục.

Khảo cứu về lai lịch và hành trạng của Đông Hải đại vương Nguyễn Phục hiện tại đình Kim Bài không có thần phả nói về ngài, chúng tôi phải căn cứ vào các đạo sắc phong lưu tại đình, cuốn sách “lịch sử làng Kim Bài”(in năm 2006) và các nguồn tư liệu sưu tầm có thể tóm tắt về thân thế và sự nghiệp của ngài như sau: Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục người làng Đoàn Tùng, nay là xã Đoàn Tùng, Thanh Miện, Hải Dương. Ông đỗ Tiến sĩ đời vua Lê Nhân Tông, làm quan đến chức Đô ngự sử đài, Phó đô ngự sử kiêm chức Phó vương, có công dạy vua Lê Thánh Tông hổi nhỏ. Ông đã nhiều lần đi sứ Trung Quốc và có nhiều thành tích. Ngoài ra ông còn có công dạy dân trồng dâu nuôi tằm. Năm 1470 chở lương đi tiếp viện cho vua đánh giặc Chiêm Thành thì gặp bão nên lỡ hẹn phải chịu tội. Sau được minh oan và phong là Thượng Đẳng phúc thần, ban cho nhiều nơi phụng thờ, trong đó có đình làng Kim Bài.

Ngoài ra, hệ thống sắc phong của đình Kim Bài còn có sắc phong cho Phương Dung công chúa với nhiều mỹ tự khác nhau. Tuy nhiên lai lịch của bà không rõ ràng chỉ lưu truyền những giả thuvết.

Qua các giả thuyết, căn cứ vào đạo sắc phong năm 1801, niên hiệu Bảo Hưng nhất niên: Sắc phong cho Hoàng Thái Hậu Phương Dung thì nhìn vào tước vị của bà trong sắc phong, chúng tôi thấy giả thuyết bà là vợ của Phùng Hưng - Bố Cái đại vương là có sự tin cậy hơn cả.

Ngoài các vị thành hoàng làng là Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục, công chúa Phương Dung thì đình Kim Bài còn thờ vị thần có tên là Ngũ Lôi đại vương - một vị thiên thần. Theo tư liệu sắc phong hiện lưu tại đình thì đây là vị thần có khả năng hô vân hoán vũ, phù trợ cho dân làng Kim Bài được mưa thuận gió hòa, không bị sâu bệnh, mùa màng tươi tốt để nhân dân được cuộc sống no đủ. Sở dĩ làng Kim Bài tôn thờ vị thần Ngũ Lôi là vì vị thần này có liên quan tới sự kiện nhân dân các làng Bối Khê, Bình Đà, Kim Bài ... cầu đảo mong cho mưa về chống hạn.

Trong hệ thống sắc phong lưu tại đình Kim Bài thì ngoài các vị thần trên, đình Kim Bài còn thờ các vị Thiên Quan Uy Minh đại vương và Thành hoàng bản thổ.

III. KHẢO TẢ DI TÍCH.

Đình Kim Bài tọa lạc ở vị trí trung tâm của thôn Kim Bài gồm các hạng mục: Cổng, Hữu mạc, Đại bái, Hậu cung, Hữu vu và các công trình trụ trợ khác.

Cổng đình Kim Bài không nằm trên đường thần đạo của di tích mà sát với đường đi liên thôn, bên hữu tòa Đại bái và Hậu cung, cổng gồm hai trụ biếu lớn và hai trụ biểu bèn có mổ tip hoa văn trang trí giống nhau, gồm đỉnh tại là bốn phượng chụm đuôi tựa chái dành trên khối hình mui với 4 đao cong, tiếp đến là ô lồng đèn đắp hoa vãn chữ Thọ, thân trụ soi gờ kẻ chỉ để trơn không trang trí, đế trụ thắt cổ bồng. Nối từ trụ biểu lớn sang trụ biểu bên là tường lủng kiểu 2 tầng 8 mái, dán ngói lưu ly. Trên bờ nóc có đắp hai khối Makara đôi soắn, đầu các mái đao là hoa văn mây uốn cong, cổng này có chức năng ngăn giữa hai thế giới tâm linh và cuộc sống trần tục.

Qua cổng là sân rộng, bước lên tam cấp là tòa Đại Bái. Tòa này gồm 3 gian, hai chái, kiểu tường hổi bít. Chính giữa bờ nóc là “ lưỡng long chầu nguyệt” với các cụm vàn mây, thân rồng có gắn mảnh sành theo suốt chiều dài, đuôi xoắn mang phong cách rồng thời Nguyễn. Hai đầu bờ nóc là hai Makara đuôi dạng cá chép cách điệu, miệng ngậm bờ nan, bờ chảy xây dật nhị cấp. Từ tường bít đốc trở về phía trước đình là bức tường lửng có đắp hình tượng của hai ngài cầm kiếm đứng canh giữ đình. Tường này nối với hai trụ biểu lớn có mô tip trang trí tương tự như trụ biểu ở cổng đình, khác ở đỉnh trụ là hai con nghê quay vào trong như để kiểm soát tâm thế của người vào đình.

Vào bên trong tòa Đại bái, các bộ vì tương úng với các gian, ứng với mặt bằng 4 hàng chân, liên kết theo các cách thức khác nhau. Bộ vì gian giữa kiểu: “ Thượng giá chiêng chổng rường, hạ cốn mê, bẩy hiên”. Nối hai đầu cột cái là một câu đầu to khỏe, có lung dạ phẳng bằng kĩ thuật xẻ họng cột cái. Đứng trên câu đầu là hai trụ trốn, thân trụ có con rường một đầu ăn mộng, đầu kia vươn ra đỡ hoành mái, con rường áp sát câu đầu bị cắt lủng tạo sự thông thoáng. Trên hai trụ trốn là hai con rường chồng lên nhau qua đấu kê, con rường trên cùng đội thượng lương qua đấu kê hình thuyền. Các con rường, hai đầu đều được chạm khắc hoa văn lá, vân mây cách điệu. Nối từ thân cột cái ra đầu cột quân là xà nách có chạm khắc hoa văn trang trí phía đầu cột quân. Trên xà các bức cốn có chạm hoa văn hai mặt theo hai chủ đề khác nhau: mặt trong trang trí tứ linh, mặt ngoài trang trí tứ quý. Song nét nổi bật là mặt ngoài các bức cốn, phần trên là con rường có chạm hoa vãn thân rồng để nhìn từ đầu dư sang bên cốn ta thấy đó là một con rồng hoàn thiện.

Bộ gian bên kết cấu kiểu: “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ truyền, bảy hiên”, bộ vì gian áp hổi kiểu: “Thượng chổng rường giá chiêng, hạ chổng rường, bảy hiên”. Bộ vì nóc các gian tương tự nhau, khoảng cách giữa hai trụ trốn và các con rường tạo khoảng trống như giá chiêng. Vì hạ gian áp hổi kết cấu chồng rường với trụ trốn và các con rường bố trí tương tự như một bên của vì nóc.

Các mảng chạm trang trí tòa Đại bái chủ yếu tập trung trên các bức cốn, đầu dư, hai đầu các con rường, xà nách và toàn bộ chiều dài bảy hiên. Bức cốn mặt trong gian giữa là một tác phẩm nghệ thuật điều khắc, chạm bong kênh đề tài tứ linh khá tinh xảo với hình tượng cá chép vượt ngũ môn hóa rồng, long mã trong tư thế phi nước kiệu, chú rùa đang bò theo dải mây ngũ môn giữa long mã và cá chép. Xen giữa các linh vật là các cụm vân mây và nhũng bồng hoa sen tạo một bức tranh thanh bình, yên ả của làng quê qua đó gửi gắm ước nguyện về mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Mặt bên này của bức cốn lại là hình tượng tứ quý với tùng, trúc, cúc, mai.

Liền sau 3 gian giữa tòa Đại bái là Hậu cung tạo thành kết cấu hình chữ Nhị. Song 2 hạng mục này không tách rời nhau mà sát nhau nhờ vào kết cấu của vì hiên Hậu cung, kiểu thức: “Tiền kẻ hậu bảy” tạo không gian rộng để bài trí nhang án trước khi bước qua ngưỡng cửa vào Hậu cung.

Hậu cung đình gồm 3 gian, kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì tương tự nhau kiểu “Vì kèo quá giang” thiên về độ vững chãi cho công trình. Đây là không gian thâm nghiêm bài trí các long ngai bài vị - hiện thân của các bậc bề trên được suy tôn và truy ân tại đình Kim Bài

IV. CÁC DI VẬT CÓ TRONG DI TÍCH

Hoành phi, mâm bồng, lọ hoa, Bộ đài nước, ống đựng hương, chân đèn, bát hương, bộ bát bửu, câu đối, khám thờ, lư hương, hạc, cửa võng, long ngai bài vị, kiệu, sắc phong.

V. NHỮNG LẦN TU SỬA.

         Năm 1926 tu sửa nhỏ.

          Năm 2015 Đại tu.

CHÙA KIM BÀI

I. TÊN GỌI

Kim Bài là một làng cổ nằm trên dải đất ven sông Đáy, thuộc miền Sơn Nam Thượng xưa. Đã từ lâu, trong chỉnh thể kết cấu làng xã nơi đây đã hiện diện hai ngôi chùa để tôn vinh đạo pháp và giáo hóa chúng sinh, đó là chùa Tó và chùa Bạch Hoa. Theo hồi cố của các cụ cao niên trong làng, chùa Tó xưa có quy bề thế và kiến trúc đẹp, được dựng cuối đời Lê thuộc địa phận làng Kim Lâm ngày nay. Tuy nhiên, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi chùa đã bị giặc phá hủy hoàn toàn. Dân làng Kim Bài, Kim Lâm hiện vẫn đọc cho nhau nghe câu thành ngữ: “Cây trôi Kim Bài đ, đức Chúa chùa Tó gẫy cổ” để ghi nhớ về những giá trị văn hóa quý báu của địa phương gắn với ngôi chùa Tó đã không còn nữa. Hiện nay, ở làng Kim Bài tồn tại một trong hai ngôi cổ tự như đã đề cập. Ngôi chùa thường được nhân dân gọi theo tên làng là chùa Kim Bài.

Chùa Kim Bài có tên chữ là Bạch Hoa tự (chùa Bạch Hoa). Cho tới nay việc tìm hiểu nguồn cội cái tên này mới chỉ dừng lại ở chỗ là do ngôi chùa tọa lạc tại xóm Bạch Hoa, một trong 6 xóm của làng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

II. NIÊN ĐẠI XÂY DỰNG

Qua phỏng vấn các cụ cao niên trong làng và sư thầy trụ trì hiện nay, không ai biết chùa Kim Bài được khởi dựng chính xác vào năm nào, chỉ biết, chùa đã được xây dựng từ lâu và đã trở thành chốn trở về thân quen đầy ấm áp trong tâm mỗi người dân nơi đây.

Qua khảo sát và tra cứu, chúng tôi không thấy một tư liệu lịch sử bằng văn bản chính thức nào nói về niên đại khởi dựng ngôi chùa này.

Căn cứ vào những di vật hiện đang được lưu giữ tại di tích, bao gồm:

04 tấm bia đá hậu Phật các niên hiệu: Thành Thái 15 (1903) (02 tấm), Khải Định 4 (1919) và Bảo Đại 17 (1941). Trong đó tấm bia số 03 “Bạch Hoa tự bi kí” (Bia gửi giỗ chùa Bạch Hoa) có ghi như sau: “Năm thứ 15 niên hiệu Thành Thái [1903], toàn thể dân trên dưới ở xã Kim Bài, tổng Phương Trung, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa trộm nghĩ, chùa Bạch Hoa trước đây vì không có tăng trụ trì nên không thành chùa chiền. Mong Tam bảo đuốc từ chiếu khắp cho dân thôn được lên chốn Đài xuân Cõi thọ.

 Nay dân bàn thảo việc nghinh đón tổ sư Linh Quang đến chùa, nhưng chùa thì trong vẫn không có điện Phật, nhà tăng, cũng chẳng có tự điền để chúc tụng thiền sư. Nghĩ công đức của Tam bảo rất sâu, nên khuyến khích người trong bản xã cùng thiện nam tín nữ thập phương, phát tâm Bồ đề, góp tiền giúp sức. Việc xây dựng đã xong, người trong Tam bảo khẩn thiết xin cúng ruộng ngàn sào, mong gửi lễ cho gia tiên, sau nữa là bản thân mình, xuân thu phối hưởng, ngẩng mong đấng Tam bảo nhân từ tiếp dẫn cho thoát hóa khỏi đường mê ”1.

Quả chuông đồng “Bạch Hoa tự chung” không ghi niên hiệu nhưng mang phong cách thời Nguyễn treo tại gian hồi Tiền đường;

Trên Thượng lương tòa Thượng điện chùa có dòng chữ: “Hoàng Bảo Đại thập tứ niên, tuế tại Kỉ mão tứ nguyệt sơ thập nhật thụ trụ thượng lương đại cát”. (Ngàv mồng 10 tháng Tư năm Kỉ Mão, niên hiệu Bảo Đại năm thứ 14[1939] dựng trụ, chồng nóc đại cát).

Chúng tôi đoán định, chùa Kim Bài có niên đại khởi dựng vào khoảng thời Nguyễn.

III. KHẢO TẢ DI TÍCH

1. Cổng chùa:

Cổng chùa làng Kim Bài gồm một cửa vào xây theo lối chồng diêm giả ngói ống kết hợp trụ biểu ở hai bên. Chính giữa nóc cổng được trang trí hình mặt trời, hai đầu bờ nóc là hai rồng lá cách điệu chầu vào. Bốn góc được trang trí văn lá cách điệu, uốn cong mềm mại. Thân diêm cổng, chính giữa đắp nổi đại tự: “Tối quảng không môn” (Rộng nhất là cửa Không), hai bên là hai ô hoa trang trí đắp nổi theo đề tài tứ quý. Mặt trong cổng được đắp nổi đại tự: “Cận vãng viễn lai” (Gần qua xa tới). Nối cửa đi sang hai trụ biểu hai bên là hai bức tường lửng, trên bờ tạo theo hình cuốn thư cách điệu dốc xuống, thân tưởng lửng đắp nổi hoa văn dây hình học cách điệu. Hai trụ biểu hai bên cổng chùa xây theo lối trụ biểu lồng diêm, con phượng lá lật, trên thân trụ đắp nổi các câu đối chữ hán.

2. Tòa Tam Bảo: Bước qua cổng chùa, chúng ta bắt đầu nhập vào cõi Không của ngôi cổ tự. Qua một khoảng sân gạch rộng là ngôi tam bảo chùa Kim Bài tọa chính giữa, có kết cấu chữ đinh gom Tiền đường và Thượng điện.

Tiền đường: Kết cấu 5 gian tường hồi bít đốc, lợp ngói ta, bờ nóc đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp cụm hoa dây trong tư thế rồng lá cách điệu vút cong tia chóp, lồng giữa là con kìm hướng vào phía trong. Bờ dải tiền đường chùa Kim Bài đắp bờ đinh giật nhất cấp. Tại vị trí giật cấp này, nghệ nhân xưa dựng một tường thấp trong tư thế trụ biểu hoa văn hình học. Cưỡi trên bức tường lửng này là hình tượng một con rồng đầu quay ngược trở lại phía trên, chầu vào giữa bờ nóc, đuôi rồng uốn cong chia chớp vút cao hướng về phía trước. Cuối bờ dải mỗi bên hồi là một con rồng trong tư thế hướng xuống, đầu ngẩng cao. Có thể nói, các cụm hoa văn đắp nổi trên mái Tam bảo chùa Kim Bài đuợc tạo tác đẹp và có hồn. Dưới góc độ kiến trúc, nó giúp tạo ra tính mềm mại, nhẹ nhàng cho bộ mái đồ xộ. Đồng thời, trước khi đặt chân vào cõi vô sắc giới, thông qua những hình tượng trang trí này, hành giả bắt đầu cảm nhận được việc phải cởi bỏ hết những uế trược cuộc sống để mang cái tâm trong sáng vào cõi Phật.

Tiền đường chùa Kim Bài dựng trên nền cao bốn bậc, lát gạch bát, tro ba cửa ra vào ở giữa, hai gian hồi xây bịt trổ cửa thoáng hoa văn hình học. Tiền đường kết cấu theo kiểu thức 5 hàng chân trong đó, hai hàng cột cái bằng gỗ tròn, còn lại, hàng chân ngoài hiên bằng cột xi măng, hàng cột thứ hai trốn lên tường gạch phía trước và hàng chân thứ 5 trốn lên tường hậu tiền đường.

Các bộ vì trên tiền đường thống nhất theo kiểu thức “thượng giá chiêng chồng rường hạ kẻ, bây hiên”. Nhìn chung, các cấu kiện gỗ trên các bộ vì tiền đường ở đây được xẻ vuông vức, bào trơn, thiên về khỏe khoắn. Hệ thống hoành cũng được xẻ vuông vức, bào trơn và bố trí theo kiểu “thượng tứ hạ tam”. Thượng lương gian giữa có đề chữ Hán, nhắc nhớ về thời điểm trùng tu lớn ngôi chùa vào năm Kỷ Mão (1939). Trang trí điêu khắc chính tại tiền đường tập trung vào các ván mê ở vì hiên. Các ván mê ở đây tập trung vào đề tài tứ quý, tứ linh và hoa văn hình học cách điệu. Nhìn chung, các mảng chạm thiên về khỏe khoắn và thanh thoát.

        Thượng điện:  Thượng điện chùa Kim Bài gồm 3 gian xây theo loại kiến trúc 4 hàng chân trong đó, trốn hai hàng cột quân lên tường vách và trốn hai cột cái vì đốc lên xà thượng, kiểu tường hồi bít đốc, lợp ngói ta, bờ nóc đắp bờ đinh.

Cũng giống như ở tiền đường, đầu hồi nóc thượng điện chùa Kim Bài được đắp nổi cụm hoa văn hình học, cưỡi cụm hoa văn này ở phía trên là một con rồng trong tư thế đầu hướng về phía trước, thân và đuôi uốn cong chữ S cách điệu, vươn ra trước đầu. Hai bờ dải hai bên đốc mái xây giật cấp tại vị trí chân hồi. Ở đây cũng là hình tượng một con rồng ngoảnh ngược về phía sau, đuôi hướng xuống phía dưới, cưỡi trên một dải hoa văn hình học cách điệu.

Bộ khung gỗ kiến trúc trên thượng điện làm theo kiểu thức thống nhất “Giá chiêng chồng rường”, thiên về bào trơn, mộng chắc và khỏe khoắn là chính. Hệ thống hoành trên thượng điện được xẻ vuông vức và cũng bố trí theo lối “thượng tứ hạ tam” như tại tiền đường. Tại vị trí nối giữa tiền đường và thượng điện chùa Kim Bài là một đôi kẻ xó ăn mộng vào hai cột cái gian giữa tiền đường và gếch đầu lên điểm góc nối giữa tường hậu tiền đường và tường nách thượng điện.

3. Nhà Tổ và nhà Mẫu:

Nằm song song nhau, ở hai bên đầu hồi phía trước tam bảo, nhà Tổ và nhà Mẫu chùa Kim Bài mới được chính quyền, nhân dân địa phương và bản tự hưng công năm 2003. Nhà Tổ gồm 5 gian cấp bốn trong đó gian hồi phía trong sát với tam bảo được sử dụng với chức năng Tăng phòng. Nhà Mẫu 4 gian cấp bốn. Cả hai đơn nguyên này đều được xây theo kiểu thức tường hồi bít đốc, lợp ngói mới, bộ khung gỗ được bào trơn đóng bén, thiên về khỏe khoắn. Cụ thể: Các bộ vì nhà Tổ thống nhất theo lối “quá giang vì kèo trụ trốn”, nhà Mẫu thống nhất theo lối “thượng giá chiêng chồng rường, hạ quá giang vì kèo trụ trốn”.

Ngoài ra, trong kết cấu tổng thể chùa Kim Bài còn hiện diện các đơn nguyên khác, bao gồm Ngôi tháp “Liên hoa hóa sinh”: Được nhà chùa xây năm 1986. Tháp làm theo lối Tu di tọa, là nơi để xá lợi các vị Tổ chùa. Tháp được xây phía sau tam bảo, trong khuôn viên vườn chùa.

4.  Mô tả về sự bài trí nội thất:

Nhìn chung, hệ thống tượng thờ chùa Kim Bài có mấy đặc điểm:

Tượng có kích thước trung bình và nhỏ.

Đa số là tượng thổ, mới được tạc vào thập kỉ 80 của thế kỉ XX.

Trên Phật điện có một vài pho tượng nhỏ, được Phật tử cúng dường và được nhà chùa đặt xen vào hệ thông tượng thờ.

Hệ thống tượng trên Phật điện được bài trí có khác đôi chút so với mô típ bài trí Phật điện truyền thống Việt.

5. Các di vật có trong di tích:

Trong số di vật chùa Kim Bài, di vật đủ điều kiện là cổ vật không nhiều, cụ thể :

+ 04 tấm bia đá hậu Phật tại vườn chùa;

+ Quả chuông đồng treo tại gian hồi Tiền đường;

- Các di vật khác đều có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học.

ĐÌNH THÔN KIM LÂM

Làng Kim Lâm là vùng đất thuần nông. Theo những tài liệu hiện có được xác định hình thành năm 1447 đời vua Lê Thành Tông, niên hiệu Cảnh Hưng

Theo những bản sắc phong còn lưu giữ Đình làng thờ thành hoàng là Trình Thống một vị quan trong chiều có công đánh giặc Minh được vua ban về lập ấp tại đây. Theo dòng chảy của lịch sử với những biến cố không còn rõ Đình được xây dựng từ năm nào. Đến nay công trình đã được tu bổ nhiều lần, kiến chúc đều mới từ hậu cung, đại bái và khuôn viên. Những hiện vật còn lại ngoài các bản sắc phong và đôi hạc cổ thì không có cổ vật. kiến chúc, lịch sử nào khác còn được lưu lại.

CHÙA KIM LÂM

Chùa làng hiện nay được trùng tu trên cơ sở một am nhỏ. Chùa làng trước đây là chùa Tó ở khu vực UBND huyện Thanh Oai hiện nay. Những pho tượng phật hiện nay chuyển từ chùa Tó xuống thờ còn lại là được làm mới. Năm 1993 làng tu bổ Từ Am nhỏ có thêm 3 gian Tam Bảo. Năm 2010 chùa được đầu tư cải tạo như hiện nay, một số công trình như nhà Tổ, nhà Mẫu sau này mới được tiếp tục xây dựng. Bởi vậy công trình không có nhiều những giá trị còn được lưu lại.

ĐỀN HỒ KIM BÀI

Đền Hồ thôn Kim Bài còn có tên gọi khác là Đền Thượng, Đền Mẫu. Đi theo đường 21B đi theo đường liên xã giữa làng Kim Bài đến ngã 3 đê đi thêm 200m là đến di tích Đền Hồ. Tương truyền đền được xây dựng từ thời nhà Lý (1009 đến 1225) không biết cụ thể năm nào. Trước bằng tranh tre, nứa lá. Sau nhiều lần tu bổ trùng tu, đại tu Đền có hiện trạng như sau: Đền nằm trên diện tích khoảng 3600m2, xung quanh là vườn cây cổ thụ. Trước đền có sân rộng 100m2, phía trước đại bái là 2 cột đèn có nghê chầu trên đỉnh cột. Đại bái có 05 gian bằng gỗ lim bào trơn đóng bén không trang trí cầu kỳ. Trước đại bái là kẻ truyền có trang trí lá lật với 06 cột gỗ lim cùng vì kèo, xã ngang dui đỡ toàn bộ một phần mai một cách chắc chắn. Phần hậu cung kết hợp với đại bái theo hình chuôi vồ, hậu cung có 03 gian chính và mái vẩy phía trước tạo ra thế uy nghi trang trọng, giữa mái vẩy và hậu cung là cửa bao ngăn cách khi có cúng bái mới mở cửa hậu cung.

* Về bài trí: Đền có 03 hoành phi cổ, 07 đôi câu đối cổ. Trong hậu cung có 04 ngai thờ gồm 02 ngai to ở trên, 02 ngai nhỏ ở dưới. 02 ngai to là 02 ngai thờ chính thần có niên đại hàng trăm năm. Ngự trên mỗi ngai to là một ông lốt (Rắn), phía trước mỗi ngai to là một bát hương cổ bằng đá đã có niên đại hàng trăm năm trước. 02 ngai nhỏ thờ ông, bà nuôi chính thần.

Hiện đền Hồ còn lưu giữ được 05 sắc phong, Sắc phong sớm nhất là năm Vĩnh Khánh thứ 2 (1730), sắc phong sau cùng là năm  Khải Định thứ 9 (1924).

Theo các sắc phong đền Hồ thờ 04 vị gồm 02 vị là Tối linh trị hải Quốc Vương và 02 vị là bố mẹ nuôi của Tối linh trị hải Quốc vương cũng được phối thờ. Cụ thể trong sắc phong phong 02 vị Tối linh trị hải Quốc Vương như sau: Bảo trang thái tử tối linh trị hải quốc vương trường trạm đực bảo trung hưng trung đẵng thân”. Cụ thể sắc phong cho ông bà nuôi dưỡng 2 vị thần trên là “phu mẫu dưỡng  bão tử thái bảo minh ý hoa tiên … Bà uyển, ỷ trang từ mi, nhu phạm bà”

Công lao của hai vị được thể hiện trong các sắc phong khẳng định: “Sông biển chung đức anh linh, núi sông nuôi dưỡng tú khí, cầu mưa, cầu tạnh thảy đều linh ứng, khắp nơi nhờ cậy phù trợ, dẹp họa trừ tai hiển hiện tại công lao, đưa dân sinh trên miền đất thọ, nhiều đời mang ơn phù giúp, lập công giúp đời, phù thế nước được vững tựa thái sơn, nên đặc chuẩn cho Thanh Oai huyện, Kim Bài xã, Thượng Lâm Trầm Thôn, Kim Châu xã, Cát Động xã, Vù thôn, Nhuyễn Thôn y cựu phụng sự, thần hãy giúp đỡ dân ta”.

Như vậy ảnh hưởng của thần trên một vùng rộng lớn của tổng Phương Trung cũ nên nhân dân trong tổng cũng xây ngôi đền trên nền đê thuộc xóm lẻ thôn Kim Lâm ngày nay để thờ 04 vị trên. Khi cúng tế có liên quan đến nhiều xã ở trong tổng cũng như thôn Ó vực ở bên kia sông đáy nên ngôi đền này gọi là đền Hàng Tổng. Như vậy đền Hồ và đền Hàng Tổng đều thờ 04 vị thần trên. Do công lao của các vị thần hàng năm vào các ngày tuần tiết nhân dân trong tổng Phương Trung lại trang trọng tổ chức lễ hội rước các ngài về quê của ông bố nuôi ở thôn Đại Từ, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ.

Đền Hồ không những là nơi di tích thờ các vị thánh mà còn là nơi trú ẩn của cán bộ hoạt động bí mật của Việt Minh từ vùng tự do bên huyện Chương Mỹ sang khu vực Kim Bài để lãnh đạo nhân dân chống Pháp từ năm 1948 đến năm 1954. Từ năm 1965 đến năm 1975 đền Hồ còn là nơi sơ tán của nhà máy pin Văn Điển sơ tán, sản xuất pin cho quốc phòng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Vì vậy nhân dân Kim Bài coi đền Hồ là di tích lịch sử văn hóa./.